Một công trình muốn đẹp, bền vững, phải có thiết kế đẹp. Một khu vực, đất nước muốn đẹp, bền vững, phải có quy hoạch tổng thể hợp lý và tầm nhìn lâu dài.
Đầu thế kỷ 19, Eugene Haussmann, với tư duy quy hoạch và tầm nhìn vĩ đại đã giúp cho Napoleon III biến Paris từ một thành phố với “những con phố nhỏ bẩn thỉu, hôi hám, những ngôi nhà đen sạm, xấu xí, một môi trường bụi bẩn, nghèo khổ của những người ăn xin, người bán hàng rong, phụ nữ may vá, phụ nữ bán thuốc nước và mũ” (Jean – Jaques Rousseau) trở thành một thủ đô hiện đại, lộng lẫy, với những đại lộ thẳng tắp chạy xuyên qua thành phố, Paris của thế kỷ 20 là Kinh đô của ánh sáng.
Manchester đầu thế kỷ 19 cũng là một trong những cái nôi của cách mạng công nghiệp. Chúng ta biết đến Manchester hiện nay là một trung tâm toàn cầu về sáng tạo và công nghiệp tri thức, nhưng không biết rằng để có được thành tựu đó, Manchester đã phải trải qua 50 năm suy sụp với đầy những thách thức về thất nghiệp, bệnh tật, lạc hậu và bị bỏ rơi, để từng ngày xây dựng theo quy hoạch và tầm nhìn định sẵn.
Quay về với Kiến trúc Việt Nam, người trẻ thường đố nhau: “Đố các bạn biết, phố hàng Đào ở đâu?”. Thực chất: “Phố “hàng đào” ở khắp nơi, không chỉ Hà Nội mà cả Sài Gòn, Tây Nguyên và khắp Việt Nam, đâu đâu cũng đào, sáng cáp quang, chiều điện thoại, tối cống rãnh, nửa đêm lại ống nước. “Hàng đào” quanh năm, đào khắp nơi”. Tại sao vậy, vì kỹ thuật không có quy hoạch, lắp đặt nước không nhìn cáp quang, điện thoại cũng chẳng nhìn internet, cứ như thế cái nọ chồng chéo cái kia, giao thông Việt Nam dưới đất thì đào lấp, trên cao thì từng bó từng bó dây rợ.
Hình ảnh tương tự khi chúng ta nhìn vào mặt tiền những ngôi nhà khắp Hà Nội, đủ thứ phong cách, trẻ trung có, già cỗi thực dân có, Pháp có, Nhật có, Hàn có, Tunisie có, mái vòm, mái thép, mái củ hành, có cả, lộn xộn và phi kiến trúc.
Còn rất nhiều ví dụ nữa trên thế giới về câu chuyện quy hoạch để phát triển bền vững. Tôi không lạm bàn chuyện kiến trúc, kẻo bạn lại tưởng tôi là một kiến trúc sư đang phân tích bới móc về quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. Vả lại, kiến trúc đô thị không phải là chuyện một sớm một chiều mà thay đổi, đó cũng không phải là mục đích của bài viết này.
Tư duy dịch chuyển một chút, ngẫm ra cuộc đời của một con người cũng giống như sự tồn tại của một công trình, hay một đô thị, phàm nếu không có thiết kế, không có quy hoạch, thì ắt sẽ thành ra một thứ lộn xộn kiểu như “phố hàng đào” ở Việt Nam. Thế nên, cuộc sống của chúng ta có thể học được rất rất nhiều điều từ kiến trúc.
Có một số khái niệm như “tầm nhìn”, “viễn cảnh”, “ước mơ”, “hoài bão”,.. mà đối với thanh niên trẻ Việt Nam bây giờ là những khái niệm sáo rỗng và viển vông. Nếu chúng ta vào một lớp học, một trường học bất kỳ, cấp 2, cấp 3, hoặc đại học, hỏi tất cả các học sinh trong lớp đó 2 câu hỏi: “Hoài bão là gì?” và “Hoài bão của bạn là gì?”. Thì 99% những câu trả lời sẽ là: “hoài bão là ước mơ”, “hoài bão là mong muốn”, ..., hoặc sẽ chỉ là những nụ cười trừ. 1 tháng sau, nếu hỏi lại đúng 2 câu hỏi đó, với đúng những học sinh đó, câu trả lời nhận được (nếu có) lại hoàn toàn khác.