Bố mất sớm, mẹ sức khỏe yếu, em Nguyễn Văn Hiếu (xóm 1, xã nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) phải đi cày thuê, bắt cua, phun thuốc sâu kiếm tiền ăn học. Kỳ thi ĐH vừa qua, Hiếu thi đỗ Học viện Hậu cần với 27 điểm (Toán 8,5 điểm, Lý 9, Hóa 9,5)
.Nguyễn Văn Hiếu vừa thi đỗ Học viện Hậu cần với 26 điểm. Trong ảnh: Hiếu ngồi học bên chiếc bàn đã bị gãy.
Cày thuê, bắt cua, phun thuốc sâu... nuôi sự học
Nguyễn Văn Hiếu lớn lên từ một vùng quê nghèo Nghi Lâm - mảnh đất một thời được mệnh danh là xứ sở của “chó ăn đá, gà ăn sỏi” để sống. Năm 2007, ông Nguyễn Văn Thanh - bố Hiếu trong lúc đi vực trâu (tập cho trâu kéo xe), bị con trâu kéo cả xe đè lên người và chết. Người bố là động lực, là trụ cột của gia đình ra đi, để lại cho bà Đặng Thị Bình (hiện 57 tuổi) 4 đứa con côi cút.
Hiếu là con thứ 3 trong gia đình. Chị đầu của Hiếu do gia đình nghèo nên chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ đi làm thuê và lấy chồng; còn anh trai Hiếu cũng chỉ cầm chừng đến lớp 9 rồi theo gót chân người chị đi làm thuê. Còn cậu em trai út Nguyễn Văn Chiến năm nay học lớp 10 Trường THPT Nghi Lộc 5 cũng được vào lớp chọn của trường. Gia đình bà Bình ngoài 5 sào ruộng lúa chẳng làm gì thêm. Cho nên cái ăn chưa đủ nói chi đến chuyện chu cấp cho con ăn học.
Thiếu thốn là vậy, Hiếu tâm niệm rằng muốn cuộc sống bớt khổ thì phải gắng học. Ngay từ khi còn học lớp 9 và 3 năm cấp ba Hiếu luôn biết chắt chiu, chia thời gian, sắp xếp lịch học, đi làm thêm từ cày thuê, cuốc mướn đến bắt cua đồng hay như đi phun thuốc trừ sâu để kiếm tiền ăn học.
Với Hiếu mỗi dịp nghỉ hè là theo đuôi trâu đi cày thuê cho hàng xóm để kiếm mỗi ngày từ 50.000 đồng/sào, nhưng không phải khi nào cũng có người thuê cày. Nhiều hôm không ai thuê cày, em đi ra đồng ruộng bắt cua, rồi phun thuốc sâu cho lúa, vườn tược... tất cả những gì có thể vừa sức Hiếu sẽ làm.
Hiếu tâm sự: “Em phải làm vậy mới có điều kiện để đi học đấy. Nhưng trước mắt bây giờ vào Học viện Hậu cần vẫn còn nhiều điều lo lắm, mà gia đình bây giờ không có nổi 50.000 đồng đâu...”, nói đoạn Hiếu cúi mặt xuống.
Bà Bình - mẹ Hiếu năm nay 57 tuổi nhưng cái khổ, cái khó nên làm cho bà già đi rất nhiều.
Kiến thức từ những tài liệu mượn của thầy cô, bạn bè
Tâm sự với PV Dân trí, Hiếu bảo trong thời gian đi học cấp 3, mỗi năm em chỉ mua được từ 5-7 cuốn sách tham khảo. Không có tiền mua sách tham khảo, Hiếu toàn phải đi mượn của thầy cô và bạn bè. “3 năm qua em luôn được thầy cô trong trường, bạn bè giúp đỡ em cho mượn sách tham khảo. Ở lớp em lắng nghe, học hỏi từ thầy cô và bạn bè, học thêm thì ít lắm”, Hiếu cho biết.
Hiếu bên giá sách tự chế.
Nói về cậu học trò nghèo vượt khó của mình, thầy Đinh Xuân Luyện - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT Nghi Lộc 5 cho biết: “Em Hiếu là học sinh nghèo nhất trường nhưng không vì thế mà em ấy không biết cách học tập, bù lại em rất chịu khó học hỏi, tìm tòi tài liệu... Trong lớp học em là người nhút nhát, nhưng lại là học sinh chuyên cần, học giỏi nắm kiến thức chắc. Cũng vì vậy, mà ba năm qua em luôn đạt học sinh giỏi, xuất sắc của trường, tôi rất cảm phục nghị lực của em ấy. Nhưng hiện nay cái khó đối với em là gia đình còn quá nghèo không biết sau khi nhập học gia đình có đủ chu cấp nữa hay không”.
Thầy giáo chủ nhiệm Đinh Xuân Luyện (ngoài cùng bên trái) đến thăm Hiếu và gia đình.
“Trong ba năm học vừa qua nhà trường luôn tạo điều kiện tất cả những gì có thể để em Hiếu được đến trường đều đặn. Mỗi khi trường có tổ chức, cá nhân nào trao học bổng chúng tôi đều giành phần thưởng xứng đáng cho em, bởi gia đình Hiếu cực kỳ khó khăn. Khi biết kết quả thi vào Học viện Hậu cần của Hiếu, chúng tôi thật bất ngờ và vui mừng cho em. Hiếu cũng là học sinh có điểm thi vào đại học cao nhất của trường chúng tôi. Chúng tôi rất tự hào về thành tích của em Hiếu. Trong 3 năm học Hiếu luôn là học sinh đầu đàn của trường về thành tích đấy”, thầy Nguyễn Văn Phương - hiệu phó Trường THPT Nghi Lộc 5 cho biết.
Thầy Phương cũng cho biết thêm, trong các kỳ thi từ tỉnh, huyện Hiếu đều là học sinh mang lại thành tích cao nhất cho trường, lớp. Hiếu đạt giải 3 môn Vật lý lớp 12 trong đợt thi tỉnh. Thành tích của Hiếu làm cho thầy cô, bạn bè và người thân càng thêm mến phục.
Tâm sự cùng phóng viên, bà Đặng Thị Bình - mẹ Hiếu đã khóc rất nhiều. Bà khóc bởi nỗi lo trước mắt là không có tiền cho con nhập học, rồi thuê nhà trọ ở Hà Nội... Bà Bình bảo: “Ngày nhận tin cháu nó đỗ đại học tôi mừng khôn tả, nhưng ngẫm nghĩ lại rồi khóc thôi chẳng biết biết xoay xở thế nào để sắp tới nó nhập học. Giờ gia đình có chi mô chú mồ, nhìn trong căn nhà hoang thì thấy đó. Không lẽ bắt nó bỏ học. Sắp tới phải nghĩ cách vay ít tiền, bán đất, bán con trâu duy nhất đang cày bừa... để cho cháu nhập học thôi”. Nói đoạn bà Bình khóc lớn hơn, khuôn mặt khắc khổ buồn rười rượi khiến chúng tôi ai nấy đều không cầm được nước mắt.
Quan sát kỹ trong căn nhà tồi tàn chỉ có mỗi bộ bàn ghế đáng giá khoảng 100 ngàn đồng, còn lại là những món đồ không đáng dăm chục ngàn... Chia tay gia đình Hiếu mà lòng chúng tôi lo lắng không biết tới đây Hiếu sẽ lấy tiền đâu cho 4 năm học đại học? Đó cũng là lo lắng chung của thầy cô và bạn bè của Hiếu.